YBĐT – Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (YEN BAI CDSH) là tổ chức KHCN trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, làm nhiệm vụ ứng dụng KHCN nhằm cải thiện sức khỏe trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế…
Một buổi tập huấn đỡ đẻ cho đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải.
Sau 5 năm thành lập, YENBAI CDSH đã có nhiều hoạt động góp phần vào việc phát triển cộng đồng thông qua thực hiện các dự án hỗ trợ cộng đồng trong các lĩnh vực KHCN, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, bảo tồn phát triển cây thuốc nam…
Đặc biệt, từ năm 2013 đến 2015, YENBAI CDSH đã tranh thủ được nhiều nguồn lực để triển khai can thiệp phổ biến kiến thức tới cộng đồng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở vùng cao huyện Mù Cang Chải. Một trong những lĩnh vực hiệu quả được thực hiện trên địa bàn huyện vùng cao này là hoạt động phổ biến kiến thức bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Phùng Thanh Khiết – Phó giám đốc YENBAI CDSH, nội dung phổ biến kiến thức cho người dân để bảo vệ, chăm sóc sức khẻo rất phong phú và đa dạng, song CDSH chỉ lựa chọn những vấn đề sức khỏe nổi cộm tại địa bàn để tuyên truyền, giáo dục, như: nguyên nhân, biểu hiện, hậu quả, cách xử lý và cách phòng bệnh tiêu chảy, viêm phổi, suy dinh dưỡng và bệnh dại…
Để đạt hiệu quả tuyên truyền cao, YENBAI CDSH thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền: tổ chức diễn đàn, thảo luận nhóm, giao lưu qua các buổi truyền thông, đêm truyền thông và sử dụng tiếng dân tộc. Ông Phùng Thanh Khiết cho biết thêm: “Đối tượng tuyên truyền là những người dân tộc Mông, trình độ văn hóa không đồng đều và không cao, nên chúng tôi lựa chọn phương pháp tuyên truyền trực tiếp là chính, thông qua các hội thảo, diễn đàn, giao lưu trực tiếp tại cộng đồng với các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm… thu hút được đông đảo người dân quan tâm, giúp họ dễ hiểu, nhớ lâu”.
Ngoài ra, CDSH còn sử dụng người truyền thông là cán bộ địa phương, phát huy tối đa nguồn lực, kinh nghiệm của người dân. Đặc biệt, việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc Mông tỏ rõ hiệu quả trong tuyên truyền. Tài liệu phục vụ tuyên truyền cũng được YENBAI CDSH thiết kế đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ sử dụng, sử dụng những hình ảnh thực tế tại địa phương, người thực, việc thực để kể lại cho mọi người nghe và chọn lựa làm theo hoặc phòng chống.
Những hoạt động này nhằm hướng tới mục tiêu cơ bản là nâng cao khả năng tiếp cận của người nghèo, dân tộc thiểu số ở Mù Cang Chải tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tăng cường sự tham gia của họ trong việc lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe ở cơ sở; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và chính quyền địa phương về phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia và phương pháp tiếp cận dựa trên quyền nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Thời gian qua, YENBAI CDSH đã tổ chức 8 khóa tập huấn cho cán bộ chính quyền, cán bộ y tế cơ sở trên địa bàn huyện Mù Cang Chải nhằm nâng cao năng lực trong lập kế hoạch và kỹ năng bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tổ chức hàng chục diễn đàn y tế thôn bản, diễn đàn y tế cấp huyện, hội thảo lập kế hoạch y tế có sự tham gia về tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân địa phương.
Ông Vàng Bua Tủa – Chủ tịch UBND xã Púng Luông cho biết: “Trình độ người dân, cán bộ ở đây còn hạn chế; nhiều người, nhất là người già không biết chữ nên rất khó khăn khi đi khám, chữa bệnh. Việc tổ chức hội thảo, diễn đàn như thế này là cơ hội tốt cho người dân được nói lên ý kiến của mình và lãnh đạo xã nắm được, ngành y tế cũng nắm được những băn khoăn, thắc mắc, khó khăn của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, để cùng nhau tháo gỡ, giải quyết”.
Ngoài diễn đàn, hội thảo, YENBAI CDSH cũng đã tổ chức 2 đêm truyền thông, 4 chiến dịch tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng tiếng địa phương, biên soạn và phát hành các ấn phẩm truyền thông giáo dục sức khỏe và tài liệu phương pháp tiếp cận dựa trên quyền và phương pháp lên kế hoạch có sự tham gia (2 bộ tài liệu và 2 bộ lịch mang các thông điệp về giáo dục sức khỏe) đã thu hút được hàng nghìn lượt người dân các xã La Pán Tẩn, Púng Luông tham dự và sử dụng tài liệu.
Chị Khang Thị Dua ở xã La Pán Tẩn chia sẻ: “Qua tài liệu mình được học cách đỡ đẻ và vừa qua đã đỡ đẻ cho em dâu và chị gái rất tốt. Mình rất muốn được học để biết thêm để giúp các bà mẹ ở bản”.
Ông Hảng Xáy Chông – Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cũng cho biết: “Tuyên truyền giáo dục sức khỏe kết hợp với văn nghệ tại xã là bà con đi đông lắm. Được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, giờ ốm, người dân thường đưa xuống trạm y tế khám chứ không mời thầy cúng như trước nữa. Do phong tục nên trước đây phụ nữ bị bệnh phụ khoa rất ngại khám ở trạm y tế, có người đi thẳng xuống Nghĩa Lộ khám bí mật. Giờ, họ đã biết giữ gìn sức khỏe, không ngại, không bí mật nữa, nên đã đi khám ở trạm”.
Cả lãnh đạo xã La Pán Tẩn và xã Púng Luông (Mù Cang Chải) đều khẳng định việc tuyên truyền bằng tiếng Mông là rất phù hợp và được người dân tiếp nhận hào hứng, mang lại kết quả thiết thực đối với người dân, giúp họ có thêm nhận thức và chủ động phòng chống dịch bệnh.
Những hoạt động của YENBAI CDSH đã góp phần vào những kết quả y tế cụ thể trên địa bàn huyện Mù Cang Chải như: số lượt người đến cơ sở y tế khám bệnh tăng rõ rệt; các bệnh viêm phổi, tiêu chảy đã được kiểm soát, tỷ lệ chết giảm; số người bị chó, mèo cắn đã đi tiêm dại gần đạt 100%…
Hạnh Quyên